Tìm theo
QBILacxan
Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, điều trị Gút và các bệnh xương khớp
Biệt Dược
SĐK: VD-11134-10
NSX : Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình
Đóng gói : hộp 10 vỉ x 10 viên nén
Hạn dùng : 36 tháng kể từ ngày sản xuất
Giá tham khảo : 765 VNĐ / viên
Thành Phần Hoạt Chất (2) :
Dược Lực Học : Viên nén Qbilacxan kết hợp tác dụng giảm đau và kháng viêm của Ibuprofen và tính chất giảm đau, hạ nhiệt của Paracetamol. Ibuprofen ngăn cản sự sinh tổng hợp prostaglandin bằng cách ức chế hoạt động của Enzym Cyclo Oxygenase, vì vậy làm giảm sự viêm. Paracetamol không tác dụng trên Cyclo Oxygenase toàn thân, chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương.Trong khi Ibuprofen có tác động ngoại biên, Paracetamol lại có tác động trung ương, vì vậy tạo nên liệu pháp giảm đau có hiệu quả.
Dược Động Học :

Paracetamol được hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt trong vòng 30 đến 60 phút sau khi uống với liều điều trị. Phân bố nhanh và đồng đều trong phần lớn các mô của cơ thể, khoảng 25% paracetamol trong máu kết hợp với protein huyết tương. Nửa đời huyết tương của paracetamol là 1,25 - 3 giờ, có thể kéo dài với liều gây độc hoặc ở người bệnh có thương tổn gan. Paracetamol bị N - hydroxyl hóa bởi cytochrom P450để tạo nên N - acetyl - benzoquinonimin, một chất trung gian có tính phản ứng cao. 

Ibuprofen hấp thu tốt ở ống tiêu hóa. Nồng độ tối đa của thuốc trong huyết tương đạt được sau khi uống từ 1 đến 2 giờ. Thuốc gắn rất nhiều với protein huyết tương. Nửa đời của thuốc khoảng 2 giờ. Ibuprofen đào thải rất nhanh qua nước tiểu (1% dưới dạng không đổi, 14% dưới dạng liên hợp). 

Chỉ Định :

- Dùng giảm đau, chống viêm trong một số trường hợp: đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau cơ, đau sau phẫu thuật, trẹo cổ, đau lưng, viêm khớp, trật khớp, thấp khớp, bong gân, viêm bao hoạt dịch, viêm đau dây thần kinh.... 

- Giúp giảm đau, hạ sốt trong các trường hợp: cảm sốt, nhức đầu, sốt do một số nguyên nhân khác. 

Chống Chỉ Định :

- Mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc. 

- Người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan. 

- Người bệnh thiếu hụt glucose - 6 - phosphat dehydrogenase. 

- Người bệnh bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận. 

- Người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống đông coumarin, người bệnh bị suy tim sung huyết, người bệnh bị bệnh tạo keo, 3 tháng cuối của thai kỳ. 

Tương Tác Thuốc :

 Liên quan đến Paracetamol: 

- Uống dài ngày liều cao paracetamol làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion. 

- Khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt. 

- Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. 

- Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra, dùng đồng thời isoniazid với paracetamol cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan. 

 Liên quan đến Ibuprofen: 

- Ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid khác làm tăng tác dụng phụ của các kháng sinh nhóm quinolon lên hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến co giật. 

- Magnesi hydroxyd làm tăng sự hấp thu ban đầu của ibuprofen nhưng nếu nhôm hydroxyd cùng có mặt thì lại không có tác dụng này. 

- Với các thuốc chống viêm không steroid khác:Tăng nguy cơ chảy máu và gây loét. 

- Methotrexat: Ibuprofen làm tăng độc tính của methotrexat. 

- Furosemid: Ibuprofen có thể làm giảm tác dụng bài xuất natri niệu của furosemid và các thuốc lợi tiểu. 

- Digoxin: Ibuprofen có thể làm tăng nồng độ digoxin huyết tương.

Thận Trọng/Cảnh Báo :

- Phải dùng paracetamol thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, vì chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù có những nồng độ cao nguy hiểm của methemoglobin trong máu. 

- Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol nên tránh hoặc hạn chế uống rượu. 

- Cần thận trọng khi dùng ibuprofen đối với người cao tuổi. 

- Ibuprofen ức chế kết tụ tiểu cầu nên có thể làm cho thời gian chảy máu kéo dài. 

 Thời kỳ mang thai: 

- Chưa xác định được tính an toàn của paracetamol dùng khi thai nghén liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với phát triển thai. Do đó, chỉ nên dùng paracetamol ở người mang thai khi thật cần. 

- Các thuốc chống viêm có thể ức chế co bóp tử cung và làm chậm đẻ. Các thuốc chống viêm không steroid cũng có thể gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do đóng sớm ống động mạch trong tử cung. Các thuốc chống viêm cũng ức chế chức năng tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu. Sau khi uống các thuốc chống viêm không steroid cũng có nguy cơ ít nước ối và vô niệu ở trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, phải hết sức hạn chế sử dụng đối với bất cứ thuốc chống viêm nào. Các thuốc này cũng chống chỉ định tuyệt đối trong vài ngày trước sinh. 

 Thời kỳ cho con bú:

  Thuốc này không ảnh hưởng đến thời kỳ cho con bú. 

Đối với người lái xe và vận hành máy móc: 

   Lưu ý khi dùng thuốc này cho người lái xe và vận hành máy móc.

Hiệu Ứng Phụ/Tác Dụng Ngoại Ý :

Do Paracetamol: Ban da và những phản ứng dị ứng khác thỉnh thoảng xảy ra. Thường là ban đỏ hoặc mày đay, nhưng đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, paracetamol đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.

Do Ibuprofen: Có tới 5 - 15% người sử dụng chế phẩm chứa Ibuprofen gặp tác dụng phụ về tiêu hóa như: chướng bụng, buồn nôn, nôn. Ngoài ra còn có thể gặp: sốt, mỏi mệt, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, mẩn ngứa. 

“ Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc 

Liều Lượng & Cách Dùng :

Uống sau bữa ăn 

 Người lớn: 1-2 viên x 3 lần/ngày, hoặc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. 

 Không dùng quá 7 ngày. 

Quá Liều & Xử Lý :

 Liên quan đến Paracetamol: 

- Quá liều  Paracetamol có thể do dùng một liều độc duy nhất hoặc do uống lặp lại liều lớn Paracetamol (7,5 - 10 g mỗi ngày, trong 1 - 2 ngày) hoặc do uống thuốc dài ngày. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều và có thể gây tử vong.

- Biểu hiện quá liều Paracetamol: Buồn nôn, nôn, đau bụng, triệu chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay. 

- Cách xử trí: Khi nhiễm độc nặng, điều quan trọng là phải điều trị hỗ trợ tích cực. Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống. 

Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất sulfhydryl, có lẽ tác động một phần do bổ sung dự trữ glutathion ở gan. N-acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Phải cho thuốc ngay lập tức nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống Paracetamol, có hiệu quả hơn khi cho thuốc trong thời gian dưới 10 giờ. Khi cho uống, hòa loãng dung dịch N - acetylcystein với nước hoặc đồ uống không có rượu để đạt dung dịch 5% và phải uống trong vòng 1 giờ sau khi pha. Cho uống N - acetylcystein với liều đầu tiên là 140 mg/kg, sau đó cho tiếp 17 liều nữa, mỗi liều 70 mg/kg cách nhau 4 giờ một lần. Ngoài ra có thể dùng Methionin, than hoạt và/hoặc thuốc tẩy muối. 

Liên quan đến Ibuprofen: 

- Thường là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Nếu đã uống quá liều thì cần áp dụng những biện pháp sau đây nhằm tăng đào thải và bất hoạt thuốc: rửa dạ dày, gây nôn và lợi tiểu, cho uống than hoạt hay thuốc tẩy muối. Nếu nặng: thẩm tách máu hoặc truyền máu. Vì thuốc gây toan hóa và đào thải qua nước tiểu nên về lý thuyết sẽ có lợi khi cho truyền dịch kiềm và lợi tiểu. 

Bảo Quản : Nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30oC
... loading
... loading