Nhôm phosphat được dùng như một thuốc kháng acid dịch dạ dày dưới dạng gel nhôm phosphat (một hỗn dịch) và dạng viên nén. Nhôm phosphat làm giảm acid dịch vị dư thừa nhưng không gây trung hòa: Gel dạng keo tạo một màng bảo vệ tựa chất nhầy che phủ diện rộng niêm mạc đường tiêu hóa. Lớp màng bảo vệ gồm nhôm phosphat phân tán mịn làm liền nhanh ổ viêm và loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại tác động bên ngoài và làm người bệnh dễ chịu ngay.
Bình thường thuốc không được hấp thu vào cơ thể và không ảnh hưởng đến cân bằng acid - kiềm của cơ thể.
Nhôm phosphat hòa tan chậm trong dạ dày và phản ứng với acid hydrocloric để tạo thành nhôm clorid và nước. Ngoài việc tạo nhôm clorid, nhôm phosphat còn tạo acid phosphoric. Khoảng 17 - 30% lượng nhôm clorid tạo thành được hấp thu và nhanh chóng được thận đào thải, ở người có chức năng thận bình thường. Nhôm phosphat không được hấp thu sẽ đào thải qua phân.
Nhôm phosphat có khả năng trung hòa chỉ bằng một nửa của nhôm hydroxyd, nhưng ưu điểm hơn là không làm ảnh hưởng đến sự hấp thu phosphat của đường ruột (100 mg nhôm hydroxyd khan có khả năng trung hòa 5 mili đương lượng (5 mEq) acid.
Tất cả các thuốc kháng acid đều có thể làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu của các thuốc dùng đồng thời, do làm thay đổi thời gian dịch chuyển qua đường dạ dày ruột, hoặc do liên kết hoặc tạo phức với thuốc. Ví dụ: Tetracyclin tạo phức với các thuốc kháng acid, do vậy, dùng tetracyclin phải cách 1 - 2 giờ trước hoặc sau khi dùng các kháng acid.
Các kháng acid làm giảm hấp thu các thuốc: Digoxin, indomethacin, muối sắt, isoniazid, clodiazepoxid, naproxen.
Các kháng acid làm tăng hấp thu dicumarol, pseudoephedrin, diazepam.
Các kháng acid làm tăng pH nước tiểu, làm giảm thải trừ các thuốc là bazơ yếu, tăng thải trừ các thuốc là acid yếu (amphetamin, quinidin là các bazơ yếu, aspirin là acid yếu).
Tránh điều trị liều cao lâu dài ở người bệnh suy thận.
Thời kỳ mang thai
Các thuốc kháng acid thường được coi là an toàn, miễn là tránh dùng lâu dài liều cao.
Thời kỳ cho con bú
Mặc dù một lượng nhỏ nhôm được thải trừ qua sữa, nhưng nồng độ không đủ gây tác hại đến trẻ bú mẹ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp: Táo bón.