Dùng thuốc chứa muối calci qua đường uống có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa, gây táo bón và khó chịu ở dạ dày.
Dùng Vitamin D với liều thông thường hằng ngày thường không gây độc. Tuy nhiên có thể xảy ra cường Vitamin D khi điều trị liều cao hoặc kéo dài, hoặc khi tăng đáp ứng với liều bình thường Vitamin D và sẽ dẫn đến những biểu hiện lâm sàng rối loạn chuyển hóa calci.
Tăng calci huyết và nhiễm độc Vitamin D thường gặp một số tác dụng sau:
+ Thần kinh: yếu, mệt, ngủ gà, đau đầu.
+ Tiêu hóa: chán ăn, khô miệng, vị kim loại, buồn nôn, nôn, chuột rút ở bụng, táo bón, tiêu chảy, chóng mặt.
+ Tác dụng khác: ù tai, mất điều hòa, ngoại ban, giảm trương lực cơ, đau cơ, đau xương và dễ bị kích thích.
Quá liều và cách xử trí
Calci:
Triệu chứng: Chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, đau bụng, yếu cơ, rối loạn tinh thần, khát nhiều, đa niệu, nhiễm calci thận, loạn nhịp tim và hôn mê.
Xử trí: Truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9%. Cho lợi tiểu cưỡng bức bằng furosemid hoặc acid ethacrynic để tăng thải trừ nhanh calci và natri khi đã dùng quá nhiều dung dịch natri clorid 0,9%. Theo dõi điện tâm đồ và có thể sử dụng các chất chẹn beta-adrenergic để phòng loạn nhịp tim nặng. Có thể thẩm phân máu, có thể dùng calcitonin và adrenocorticoid trong điều trị. Theo dõi nồng độ calci trong máu một cách đều đặn.
Cholecalciferol (Vitamin D3):
Triệu chứng: Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, táo bón hay tiêu chảy, đa niệu, tiểu đêm, đổ mồ hôi, đau đầu, khát nhiều, ngủ gà, và chóng mặt.
Xử trí: Ngừng thuốc, ngừng bổ sung calci, duy trì khẩu phần ăn có ít calci, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Có thể dùng corticosteroid hoặc các thuốc khác (như furosemid và acid ethacrynic), để giảm nồng độ calci trong huyết thanh. Có thể sử dụng lọc máu thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để thải calci tự do ra khỏi cơ thể. Nếu ngộ độc Vitamin D cấp, thì có thể ngăn hấp thu Vitamin D bằng gây gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu thuốc đã qua dạ dày, điều trị bằng dầu khoáng có thể thúc đẩy thải trừ Vitamin D qua phân.